SOẠN VĂN 8 BỘ SÁCH CÁNH DIỀU | "LŨ LỤT LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ TÁC HẠI" (BÀI 3: VĂN BẢN THÔNG TIN)

Ngày 30/05/2024 17:15:52, lượt xem: 410

I: Trong khi đọc

1. Nội dung sa pô đã nêu đủ ý chính của tên bài chưa?

Nội dung phần sa pô đưa ra gồm những vấn đề về nguyên nhân gây nên lũ lụt; từ đó dẫn dắt đến khái niệm về lũ lụt và tác hại lũ lụt, ở phần này đã nêu đủ ý chính của tên bài rồi. 

 

2. Trong đoạn Lũ lụt là gì?, thông tin được trình bày theo cách nào?

- Trong đoạn Lũ lụt là gì?, thông tin được trình bày theo cách: 

+ Phân loại, bóc tách khái niệm “lũ lụt” thành “lũ” và “lụt” ra. 

+ Sau đó giải thích, tổng hợp lại tất cả thông tin để trình bày khái niệm một cách tổng quát nhất.

 

3. Có những loại lũ nào? 

Ở trong văn bản này tác giả đã đề cập tới các loại lũ: Lũ ống; lũ quét; lũ sông. 

 

4. Thông tin từ các đề mục in đậm khác gì các đề mục in đậm nghiêng?

- Thông tin từ các đề mục in đậm có những sự khác biệt so với đề mục in nghiêng là:

+ Thông tin từ các đề mục in đậm là khái quát nội dung chính của từng phần trong văn bản.

+ Còn đối với các đề mục in nghiêng là diễn giải, làm nổi bật cho đề mục in đậm.  

 

5. Bức ảnh minh họa cho hiện tượng gì?

Bức ảnh minh họa cho hiện tượng lũ lụt kéo đến và làm ngập lụt đi nơi ở của người dân. 

 

6. Phần nói về tác hại của lũ lụt trình bày thông tin theo cách nào?

- Phần nói về tác hại của lũ lụt trình bày thông tin theo cách phân loại các tác hại của lũ lụt, bao gồm:

+ Lũ lụt gây thiệt hại về vật chất

+ Lũ lụt gây thương vong về con người

+ Tác động đến ô nhiễm môi trường nước

+ Nguyên nhân của nhiều loại mầm bệnh

+ Ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế địa phương, đất nước. 

 

II: Sau khi đọc 

1. Xác định bố cục của văn bản Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại. Dựa vào đâu để xác định bố cục của văn bản này? Đánh số thứ tự hoặc kí hiệu cho các đoạn trong bài hoặc trình bày bố cục ấy theo sơ đồ?

- Bố cục của văn bản lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại gồm 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến trực tiếp tràn vào khu dân cư) -> Phần này tác giả đang dẫn dắt vấn đề nói đến và giải thích hiện tượng lũ lụt đó.

+ Phần 2 (tiếp đến gây nên nhiều thiên tai) -> Nêu lên nguyên nhân gây ra lũ lụt.

+ Phần 3 (Phần còn lại)-> Nêu lên tác hại của lũ lụt

- Dựa vào cách trình bày để xác định bố cục của văn bản này: Trước nội dung của từng phần trong văn bản tác giả sẽ để tên phần đó được in đậm, kiểu chữ thẳng để nêu ra nội dung chính của phần đó. 

- Đánh kí hiệu, hoặc số thứ tự cho các đoạn trong bài:

      1. Lũ lụt là gì? 

      2. Nguyên nhân gây ra lũ lụt

      - Do bão hoặc triều cường

      - Do hiện tượng mưa lớn kéo dài

      - Do các thảm họa sóng thần, thủy triều

      - Do sự tác động của con người

      3. Tác hại của lũ lụt

      - Gây ra thiệt hại về vật chất

      - Gây thương vong về con người

      - Tác động ô nhiễm môi trường nước

      - Là nguyên nhân của nhiều loại mầm bệnh

      - Ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế địa phương, đất nước   

 

2. Người viết đã chọn những cách nào để triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản đó? Chỉ ra những biểu hiện cụ thể của cách triển khai ấy và hiệu quả của nó?

- Người viết đã lựa chọn cách phân loại nội dung chính của văn bản theo quan hệ nguyên nhân - kết quả để triển khai ý tưởng nhằm làm sáng tỏ nhan đề văn bản và thông tin của văn bản.

- Những biểu hiện cụ thể của cách triển khai này.

+ Trước tiên phần khái niệm về lũ lụt được người viết diễn giải từng khái niệm của “Lũ lụt” thành “lũ” và “lụt”. 

+ Sau đó đến phần “nguyên nhân gây ra lũ lụt” được tác giả triển khai thành các ý lớn để khai thác nội dung, đưa ra các thông tin và các nguyên nhân gây ra lũ lụt. Để rồi tác giả nêu lên tác hại, hậu quả của lũ lụt mang lại. 

 

3. Các nội dung trình bày trong văn bản Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại đã làm sáng tỏ mục đích của văn bản như thế nào?

Các nội dung trình bày trong văn bản Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại đã làm sáng tỏ mục đích của văn bản là đưa đến cho người đọc các thông tin quan trọng về lũ lụt như các khái niệm, nguyên nhân, tác hại. Để từ đó tác giả mong muốn mọi người sau khi đọc xong văn bản này nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chuẩn bị cho mình những phương pháp phòng tránh khi có hiện tượng này.  

 

4. Phân tích cách trình bày nội dung  thông tin trong văn bản để thấy tác giả đã giải thích hiện tượng tự nhiên lũ lụt rất rõ ràng?

Văn bản Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại được trình bày một cách logic, rõ ràng theo quan hệ nguyên nhân kết quả điều này được thể hiện qua cách trình bày nội dung thông tin trong văn bản. Tác giả đưa văn bản này đi theo hướng từ khái niệm đến nguyên nhân và tác hại của lũ lụt. Trong mỗi phần nội dung của văn bản tác giả tiếp tục chia nhỏ nội dung được trình bày in đậm, kiểu chữ đứng hoặc nghiêng và các mục nhỏ trong mỗi phần không bị trùng nhau. Ta sẽ thấy rõ ở phần nguyên nhân tác giả phân tích nguyên nhân xảy ra lũ lụt thành bốn nội dung nhỏ tương ứng với bốn nguyên nhân khác nhau theo thứ tự là: do bão hoặc triều cường; do hiện tượng mưa lớn kéo dài; do các thảm họa sóng thần, thủy triều; do sự tác động của con người.   Bốn nguyên nhân được nêu ra không hề có sự trùng lặp. Để kết lại vấn đề tác giả đã nêu lên tác hại của lũ lụt gây ra, cũng giống như phần khái niệm và phần nguyên nhân thì ở phần tác giả cũng chia văn bản thành năm mục con tương ứng với năm tác hại mà lũ lụt gây ra: gây thiệt hại về vật chất; gây thương vong về con người; tác động tới ô nhiễm môi trường nước; là nguyên nhân của nhiều loại mầm bệnh; ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế địa phương, đất nước. Cách trình bày nội dung văn bản logic theo đúng trật tự để rồi người đọc dễ dàng hình dung và theo dõi nội dung của văn bản.  

 

5. Qua văn bản, em có nhận xét gì về về hiện tượng lũ lụt ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung? Sau khi đọc văn bản em thấy cần biết thêm thông tin gì nữa về lũ lụt?

- Sau khi đọc xong văn bản em thấy được hiện tượng lũ lụt không chỉ xảy ra thường xuyên ở nước ta mà còn ở trên thế giới nữa. Hiện nay có rất nhiều loại lũ khác nhau thế nhưng nhìn chung chúng đều mang đến những thiệt hại lớn cho tự nhiên và con người, gây hậu quả xấu đến môi trường.  Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lũ lụt không chỉ từ thiên nhiên mà chính con người cũng đang góp một phần vào tác động tới các hiện tượng lũ lụt xảy ra nhiều như hiện nay. 

- Sau khi đọc xong văn bản này em thấy bản thân mình cần tìm hiểu thêm về một số biện pháp để phòng chống  thiên tai, lũ lụt giúp giảm thiểu thiệt hại về thiên nhiên và con người. 

 

6. Tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác nhau và nêu một số thông tin bổ sung (kênh hình; kênh chữ) về hiện tượng lũ lụt chưa có trong văn bản này?

      *   Một số biện pháp phòng tránh khi có hiện tượng lũ lụt xảy ra.

- Để phòng chống hiện tượng lũ lụt hiệu quả nhà nước cần đưa ra một số chủ trương, đường lối, chính sách phòng chống lũ lụt hiệu quả. Nhà nước cần cụ thể hóa những quy định về đảm bảo an toàn phòng chống lũ lụt, coi trọng việc định ra các quy chế phòng lũ khi phân vùng sử dụng đất để sản xuất, xây dựng bố trí dân cư phát triển thủy lợi. 

- Tuyên truyền phổ cập giáo dục, tập huấn cho đại chúng cũng như các cán bộ lãnh đạo, quản lí, các chuyên gia những kiến thức về lũ lụt và biện pháp phòng lũ lụt.

- Diễn tập chống lũ lụt, thông qua đó phát hiện ra những thiếu sót về kĩ thuật, phương tiện, nhận thức để bổ sung sửa chữa. 

- Thực hiện các biện pháp hạn chế quá trình chảy tràn, giảm tốc độ tập trung nước, gắn liền với công tác phòng lũ với sử dụng đất trên lưu vực sống, kết hợp giữ đất, giữ nước. 

- Trước khi xảy ra lũ lụt:

+ Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó.

+ Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.

+ Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày

+ Tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không.

+ Di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định.

+ Di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm.

+ Tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong tòa nhà mình ở.

+ Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

+ Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

+ Có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.

- Trong khi xảy ra lũ, lụt

+ Theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

+ Ngay lập tức di tản đến khu vực chú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu.

+ Tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút.

+ Không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết.

+ Đề phòng rắn ở những vùng ngập nước.

+ Sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

+ Hãy đề phòng lũ quét tiềm ẩn.

+ Cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…

- Sau khi xảy ra lũ, lụt

+ Thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để chúng nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

+ Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Sử dụng nước từ các nguồn an toàn (chẳng hạn như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).

+ Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.

Theo TUYẾT NHUNG (Nguồn: Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ)

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan